Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2022 khai mạc sáng 8.12 là lần đầu tiên VN tổ chức một triển lãm quốc tế, trưng bày và trình diễn các loại vũ khí, khí tài quốc phòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng của Hãng sản xuất máy bay quân sự Lockheed Martin (Mỹ) ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Vũ khí, khí tài tối tân
Hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp (DN) đến từ 30 quốc gia đã giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân, lục quân, phòng không - không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật… trong khuôn viên hơn 15.000 m2 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội).
Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2022 là một cơ hội rất tốt để các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, các DN CNQP, an ninh gặp gỡ, trao đổi, phát triển hợp tác hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) (Bộ Quốc phòng) mang tới triển lãm mẫu súng trường STV (viết tắt của súng tiểu liên VN). Các biến thể của súng trường STV có kiểu dáng hiện đại, có nhiều nét tương đồng với súng trường AK và Gali Ace. Theo giới thiệu của đơn vị, súng sử dụng cỡ đạn 7.62 x 39 mm và có thể dùng chung hộp tiếp đạn với AK-47.
Các biến thể của súng trường STV (như STV 215 hay STV 380) của Nhà máy Z111 có thể tác chiến ở môi trường khắc nghiệt như: nước, cát, nhiệt độ âm, có độ bền cao hơn so với súng cùng chủng loại của một số nước.
Tuy nhiên, điểm khác biệt chính của súng trường STV là nắp hộp khóa nòng STV-410 được cố định bằng 2 chốt ngang lắp ngược chiều nhau bố trí ở khu vực thước ngắm trên AK-47; đồng thời loại bỏ cơ cấu nút bấm như kiểu AK. Súng còn được tích hợp hệ thống tùy biến nhiều trang bị đi kèm, tiện dụng, nhờ đó làm tăng khả năng chiến đấu. Các thay đổi nói trên nhằm phù hợp với đặc thù sử dụng tại VN.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel (gọi tắt Viettel) mang tới triển lãm sản phẩm radar sóng mét VRS-2DM - hệ thống đài radar bắt sóng thấp decimet (dm) sử dụng làm nhiệm vụ cảnh giới bắt các mục tiêu bay thấp và rất thấp. Đài radar VRS-2DM có khả năng phát hiện các mục tiêu xa hàng trăm ki lô mét, đặc biệt toàn bộ tổ hợp được thiết kế để triển khai và thu hồi bán tự động bằng điều khiển điện hoặc thủy lực, giúp giảm thời gian thu hồi đài xuống còn bằng 1/4 so với các thế hệ đài cũ.
Màn biểu diễn của chiến đấu cơ Su-30 MKII và phía dưới là xe tăng T90, tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2022 ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Đáng chú ý, theo giới thiệu của Viettel, đây là sản phẩm do chính người VN nghiên cứu, chế tạo; hiện bắt đầu được đưa vào trang bị trong một số đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân và được đánh giá vượt trội hơn một số thế hệ đài radar cảnh giới tầm thấp từng được sử dụng.
Không chỉ các đơn vị trong nước, các tập đoàn, DN của nhiều nước như: Ấn Độ, Israel, Nga, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều mang tới triển lãm các sản phẩm và công nghệ mới nhất.
Tập đoàn BrahMos Aerospace (Ấn Độ) giới thiệu loại tên lửa hành trình có thể đạt tốc độ từ Mach 2.5 - 2.8 (2,5 - 2,8 lần tốc độ âm thanh) và tầm hoạt động đạt 280 km. BrahMos Aerospace đang phát triển phiên bản tên lửa BrahMos nâng cấp với tốc độ bay có thể đạt Mach 5. Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu tên lửa BrahMos tới các quốc gia có nhu cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Tập đoàn IAI của Israel thì mang tới triển lãm tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Barak-8 tốc độ tối đa đạt Mach 2 với tầm bắn đạt 70 km, có thể tấn công nhiều mục tiêu…
Hợp tác vì hòa bình
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc 170 đơn vị, DN CNQP, an ninh có công nghệ tiên tiến và uy tín của 30 quốc gia từ khắp các châu lục có mặt tại triển lãm đã thể hiện tình cảm, sự đoàn kết vì một thế giới tốt đẹp hơn. Thủ tướng nhấn mạnh đây là biểu tượng cho lòng tin, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển; là tình cảm đầy ý nghĩa của bạn bè quốc tế dành cho đất nước, con người và Quân đội nhân dân VN.
Thủ tướng cũng khẳng định với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng, tăng cường lòng tin giữa VN và các nước trên thế giới, thúc đẩy hợp tác về CNQP, Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2022 là một cơ hội rất tốt để các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, các DN CNQP, an ninh gặp gỡ, trao đổi, phát triển hợp tác hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Theo Thủ tướng, bên cạnh xu thế lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt, cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia dựa trên công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế. Trong đó, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa các nước trên thế giới có vai trò rất quan trọng.
VN kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ và vì nhân dân. Quân đội VN đang tích cực tham gia các hình thức hợp tác quốc phòng phù hợp cả song phương và đa phương với các nước đối tác trên thế giới.
Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc hợp tác CNQP và đặc biệt là Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2022 sẽ mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu nghiên cứu xu hướng phát triển của trang bị kỹ thuật, CNQP an ninh trên thế giới. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài và sản xuất, trang bị khí tài, hậu cần đáp ứng cho lực lượng vũ trang các nước, phục vụ nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước VN chủ trương xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Vì vậy, Quân đội nhân dân VN mong muốn đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là trong lĩnh vực CNQP, không chỉ là hợp tác trong mua sắm, chuyển giao công nghệ, hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự mà còn là hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi, tăng cường đoàn kết với bộ quốc phòng, quân đội các nước trong khu vực và thế giới vì mục đích hòa bình.
Bày tỏ hy vọng triển lãm sẽ mang lại cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu, sản xuất quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang gặp gỡ, trao đổi và hợp tác, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng tin tưởng triển lãm sẽ góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác quốc phòng và hợp tác CNQP, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Mở cửa miễn phí cho người dân tham quan từ 14 giờ ngày 9.12
Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2022 diễn ra từ hôm qua (8.12) đến hết 10.12 tại khu vực sân bay Gia Lâm (Q.Long Biên, Hà Nội), gồm không gian trong nhà 5.000 m2 và khu vực ngoài trời khoảng 10.000 m2. Ngoài không gian trưng bày các vũ khí, khí tài, công nghệ quốc phòng, ban tổ chức cũng bố trí khu vực không gian văn hóa, không gian ẩm thực, khu vực trưng bày “Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” để trưng bày các mốc son tiêu biểu của Quân đội nhân dân VN trong từng giai đoạn lịch sử gắn với phát triển KT-XH; kết nối với triển lãm không gian mạng. Tại triển lãm cũng sẽ diễn ra các hội thảo Chuyển đổi số và ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng (chiều 8.12) và Hợp tác CNQP - VN và các nước (sáng 9.12). Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2022 mở cửa miễn phí cho người dân tham quan từ 14 - 18 giờ ngày 9.12 và cả ngày 10.12 (từ 9 - 18 giờ).