Tình thế tiếp tục khó khăn ở miền đông
Lực lượng Nga đang gây sức ép và cắt đứt tuyến đường tiếp tế đến Avdiivka, thị trấn ở miền đông và cách TP.Donetsk khoảng 25 km về hướng bắc. Đài CNN dẫn lời một người lính Ukraine tên Maksym Morozov cho biết tình hình ở đây đang khó khăn và số đợt không kích gia tăng so với trước đây.
Theo ông Morozov, phía Nga đang áp dụng chiến thuật "máy nghiền thịt" dọc theo tiền tuyến phía đông, bao gồm Bakhmut và Avdiivka, nhưng tình hình hai thành phố khác nhau.
Những đợt tấn công Bakhmut tiếp diễn như các đợt sóng, trong khi ở Avdiivka, lính Nga được sự hỗ trợ của phương tiện hạng nặng như xe tăng. Bên cạnh đó, trong khi cả hai đều bị bao vây, Avdiivka từ đầu chiến sự luôn trong tình thế ngặt nghèo vì gần TP.Donetsk, nơi Nga đang kiểm soát.
Ở Bakhmut, RIA Novosti cho biết các đơn vị lính đánh thuê Wagner đã tiếp quản hoàn toàn nhà máy luyện kim AZOM ở phía bắc thành phố.
Chưa rõ tình trạng chính xác cuộc chiến ở Bakhmut, nhưng nếu thông tin về Wagner được xác nhận, điều này cho thấy Nga tiếp tục đạt được tiến triển bất chấp những tín hiệu mới từ phía Ukraine trong tuần này.
Trong khi đó, một thành phố khác ở Donetsk là Vuhledar "bị san bằng" trước các đợt pháo kích của Nga, theo thông tin từ lực lượng Ukraine. Nga chưa bình luận thông tin này.
Cũng trong ngày 26.3, tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không nước này trong vòng 24 giờ đã bắn hạ 7 tên lửa xuất phát từ Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và bắn hạn 14 máy bay không người lái Ukraine.
Còn TASS dẫn nguồn tin hành pháp ở tỉnh Tula của Nga cho biết đã có 3 người bị thương trong vụ nổ xảy ra ở thị trấn Kireyevsk của tỉnh này. Phía Nga cho rằng "thủ phạm" là máy bay không người lái Tu-141 Strizh của Ukraine. Tỉnh Tula cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 850 km.
Giới hữu trách ở Kireyevsk đã tiếp cận một số mảnh vỡ của máy bay không người lái. Chính quyền Kyiv chưa bình luận về thông tin này.
Khẩu chiến giữa Nga và NATO, EU
Trong lúc chiến sự ở Ukraine tiếp diễn, Tổng thống Putin gọi các nước phương Tây là "những kẻ khởi xướng và xúi giục" dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo ông Putin, phương Tây đã vượt mọi lằn ranh đỏ, thậm chí còn vượt sâu với hành động cung cấp vũ khí cho chính quyền Kyiv. Hiện 3 nước cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự nhiều nhất cho Ukraine là Mỹ, Anh và Ba Lan.
Về phần mình, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm qua 26.3 chỉ trích Nga có động thái mà họ coi là "nguy hiểm và vô trách nhiệm" khi quyết định đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus.
Tổng thống Putin cho hay việc Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus cũng giống như Mỹ trước đó đặt một số kho vũ khí hạt nhân của mình trên lãnh thổ đồng minh châu Âu.
Tuy nhiên, người phát ngôn NATO Oana Lungescu bác bỏ lập luận trên của chủ nhân Điện Kremlin, đồng thời khẳng định NATO luôn thực thi cam kết quốc tế liên quan đến vấn đề này.
Về phần mình, Cao ủy chính sách đối ngoại EU Josep Borrell thúc giục Belarus không chứa chấp vũ khí hạt nhân Nga, và cảnh báo Minsk có thể đối mặt các lệnh cấm vận gia tăng nếu nhất quyết hợp tác với Nga.
Trong khi đó, Ukraine yêu cầu nhóm họp phiên khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về bước đi mới của Moscow.
Trước câu hỏi về diễn biến ở Belarus, ông John Kirby, người điều phối về chiến lược truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết đến thời điểm hiện tại, Mỹ chưa ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang di chuyển vũ khí hạt nhân.