Tranh cãi kế hoạch gửi bom chùm cho Ukraine
Tờ The Washington Post ngày 7.7 loan tin rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt và sẽ sớm công bố việc cung cấp bom chùm cho Ukraine, lấy từ kho của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Bom chùm được cân nhắc là một dạng đạn pháo 155mm, bên trong có chứa hàng chục đến hàng trăm quả đạn nhỏ. Sau khi được phóng đến gần mục tiêu, quả đạn lớn sẽ giải phóng những quả đạn nhỏ bên trong, gây phá hủy một khu vực rộng lớn.
Mỹ có luật cấm sản xuất, sử dụng hoặc chuyển giao bom chùm có "tỷ lệ thất bại" hơn 1%, ý nói tỷ lệ các quả đạn nhỏ bên trong không nổ.
Hơn 120 quốc gia đã tham gia một công ước cấm việc sử dụng bom chùm vì coi đó là hành động vô nhân đạo và bừa bãi, phần lớn là do tỷ lệ đạn chưa nổ cao, gây nguy hiểm cho cả quân đội và dân thường trong nhiều thập niên sau khi xung đột kết thúc.
Vũ khí chính đang được xem xét, đạn pháo M864, được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1987, được bắn từ lựu pháo 155mm mà Mỹ và các nước phương Tây khác đã cung cấp cho Ukraine. Trong ước tính công khai gần nhất, Lầu Năm Góc đánh giá rằng loại bom chùm này có tỷ lệ đạn không nổ là 6%, nghĩa là ít nhất 4 trong số 72 quả đạn con mà mỗi quả đạn lớn mang theo sẽ không phát nổ trên một khu vực có diện tích khoảng 22.500 m2, gần bằng kích thước của 4,5 sân bóng đá.
Phát ngôn viên Pat Ryder của Lầu Năm Góc ngày 6.7 nói đang lựa chọn kỹ lưỡng loại bom chùm có tỷ lệ đạn không nổ thấp để cung cấp. "Loại mà chúng tôi đang cân nhắc sẽ không phải là các phiên bản cũ với tỷ lệ không nổ cao hơn 2,35%", ông Ryder nói.
Đức đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói mỗi thành viên sẽ tự ra quyết định bởi trong nội bộ NATO, có nước tham gia công ước cấm sử dụng bom này trong khi nước khác thì không.
Một quan chức Ukraine nói sẽ hoan nghênh nếu Mỹ gửi bom chùm vì việc đó sẽ gây tác động tâm lý, cảm xúc lớn đối với lực lượng Nga.
Cố vấn chính trị Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine nói với Reuters việc chuyển thêm đạn pháo sang Ukraine là một đóng góp rất quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ giành lại lãnh thổ.
"Đặc biệt nếu chúng ta đang nói về bom chùm, thứ chắc chắn có khả năng gây tác động tâm lý-cảm xúc phi thường", góp phần suy giảm năng lực chiến đấu và tinh thần của binh sĩ Nga, vị quan chức nói.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận cuộc phản công của Ukraine đang tiến triển chậm và kêu gọi Mỹ và các đồng minh khác cung cấp vũ khí tầm xa. "Việc thiếu vũ khí tầm xa không chỉ gây khó trong tấn công, mà còn cho cả việc phòng thủ", ông Zelensky nói với các phóng viên.
Đại sứ Nga tại Belarus, ông Boris Gryzlov, cho biết ý định của Mỹ về việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là nỗ lực tuyệt vọng vì cuộc phản công của Kyiv không diễn ra theo kế hoạch.
Chuyến công du của Tổng thống Ukraine
Tổng thống Volodymyr Zelensky đang có chuyến thăm nhiều nước NATO nhằm vận động sự ủng hộ để giúp Ukraine sớm được kết nạp làm thành viên và có thêm viện trợ vũ khí. Bắt đầu từ Bulgaria ngày 6.7, ông Zelensky sau đó đến Cộng hòa Czech và ngày 7.7 có mặt tại Slovakia.
Tổng thống Zelensky nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo tại các nước này trong việc trở thành thành viên của liên minh.
Trong cuộc họp báo mới nhất ở thủ đô Bratislava, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO nên là vấn đề thời gian, không phải là chuyện có hay không nữa. Đồng thời, bà kêu gọi NATO nên trao cho Ukraine cái nhìn rõ ràng hơn về tư cách thành viên của nước này tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần sau.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết các nhà lãnh đạo liên minh tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới sẽ "tái khẳng định" một cam kết trước đó, rằng Ukraine sẽ tham gia NATO trong tương lai.
"Tôi hy vọng tất cả các nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và thống nhất về cách đưa Ukraine đến gần hơn với mục tiêu của mình", ông Stoltenberg nói.
Cũng liên quan NATO, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 7.7 cho biết chính phủ của ông ủng hộ Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh, theo TASS. "Chúng tôi ủng hộ tư cách thành viên của Thụy Điển nhưng quốc hội Hungary vẫn chưa phê chuẩn. Chúng tôi sẽ hành động khi cần thiết. Hungary không do dự với các quyết định", Thủ tướng Orban nói thêm.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói vẫn chưa thể phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập vì vấn đề liên quan lực lượng người Kurd mà Ankara coi là "khủng bố".
Tuy nhiên, ông Erdogan cũng không loại trừ khả năng bật đèn xanh cho Thụy Điển trở thành thành viên, điều mà ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào đầu tuần sau tại các cuộc đàm phán do NATO tổ chức.
"Vào ngày 11.7 trong hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Vilnius (Lithuania), chúng tôi sẽ thảo luận (những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ) với các đối tác của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định tốt nhất, bất kể đó là gì", ông Erdogan nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Tuyên bố được đưa ra trong lúc ông Erdogan chuẩn bị tiếp Tổng thống Ukraine trong ngày 7.7. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai tổng thống sẽ thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc biển Đen, việc trao đổi tù binh giữa Ukraine và Nga, theo Reuters.
Tổng thống Zelensky nói rằng sự thiếu thống nhất giữa các thành viên NATO về việc gia nhập của Thụy Điển và Ukraine đang đe dọa sức mạnh của liên minh do Mỹ lãnh đạo. "Chúng tôi đang mong đợi sự thống nhất từ liên minh NATO. Sức mạnh của NATO là sự đoàn kết", ông Zelensky nói trong một cuộc họp báo ở Bratislava.
Ukraine tiến lên quanh Bakhmut
Ukraine cho biết quân đội của họ đã tiến thêm hơn 1 km xung quanh thành phố Bakhmut trong 24 giờ qua, khi họ tiếp tục gây áp lực lên các lực lượng Nga trong khu vực.
Một phát ngôn viên quân đội Ukraine nói rằng cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt khi lực lượng Nga kháng cự.
Trong khi đó, các quan chức phe ly khai thân Nga tại Donbass nói rằng quân Nga đang đạt những thành tích đáng khích lệ quanh Bakhmut, tiến triển tại Marinka và Avdiivka ở tỉnh Donetsk.