Tranh cãi về việc Nga nói phong tỏa Bakhmut
Quân đội Nga cho biết lính dù của mình đã phong tỏa tuyến đường chuyển quân dự bị Ukraine đến Bakhmut thuộc Donetsk, cũng như chặn đứng đường triệt thoái của địch quân, theo TASS.
Phía Nga cũng nói các đơn vị lính đánh thuê Wagner đang tiến quân ở Bakhmut. Tuy nhiên, AFP dẫn thông tin từ quân đội Ukraine vẫn duy trì liên lạc với lực lượng cố thủ bên trong Bakhmut và vẫn chi viện đạn dược cho những đơn vị này.
Ông Sergiy Cherevaty, phát ngôn viên Bộ chỉ huy miền đông Ukraine, khẳng định quân đội hiện tiếp tục tiếp tế thức ăn, thuốc men, đạn dược, những đồ thiết yếu, trong khi vẫn chuyển được người bị thương khỏi thành phố.
Dù vậy, văn phòng tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine thừa nhận Bakhmut đang đối mặt tình huống khó khăn.
Về phần mình, ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập tập đoàn lính đánh thuê Wagner, cho hay vẫn còn quá sớm để kết luận lực lượng Nga đã hoàn tất việc bao vây và phong tỏa Bakhmut, TASS đưa tin.
Mỹ ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine?
Sputnik News dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ Washington được dự kiến sẽ không công bố thêm bất kỳ gói viện trợ vũ khí nào cho Ukraine trước khi chính quyền Kyiv triển khai đợt phản công vào mùa xuân.
Theo quan chức Mỹ, hai gói viện trợ cho Ukraine được công bố lần lượt ngày 20.3 và 4.4 có thể là những đợt cuối cùng đến từ chính quyền Tổng thống Joe Biden trong tương lai gần.
Đây được cho là nỗ lực cuối cùng nhằm chuẩn bị cho lực lượng Ukraine trước đợt phản công sắp tới, bất chấp kêu gọi của chính quyền Kyiv hãy tiếp tục viện trợ đạn dược và vũ khí.
Ngày 4.4, Nhà Trắng công bố gói viện trợ quân sự trị giá 2,6 tỉ USD, bao gồm Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) và hệ thống phòng không Patriot. Còn gói ngày 20.3 trị giá 350 triệu USD gồm HIMARS, lựu pháo, xe chiến đấu bộ binh Bradley.
Washington và Lầu Năm Góc chưa bình luận về thông tin trên.
Cũng trong ngày 13.4, Đức phê chuẩn đề xuất của Ba Lan chuyển giao 5 tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, theo Reuters dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết đã tiếp nhận đề xuất từ Warsaw hôm 13.4 và cùng ngày Berlin đã phản hồi yêu cầu này.
Đức tiếp quản 24 chiếc MiG-29 từ chính quyền Đông Đức trong giai đoạn thống nhất vào năm 1990. Đến năm 2004, Berlin chuyển giao 22 chiếc cho Warsaw. Trong số 2 chiếc còn lại, một chiếc bị phá hủy trong vụ tai nạn, còn một chiếc đang trưng bày bên trong một bảo tàng.
Ba Lan cần sự đồng ý của Đức nếu muốn đưa số tiêm kích cho nước thứ ba, trong trường hợp này là Ukraine.
Kyiv kêu gọi NATO kiểm soát Biển Đen, tích hợp phòng thủ Ukraine
Cùng ngày, phát biểu trực tuyến tại hội nghị an ninh Biển Đen ở Bucharest (Romania), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh cho Biển Đen.
Đồng thời, ông nói đã đến lúc NATO nên tích hợp hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Ukraine vào mạng lưới chung của các thành viên.
"Biển Đen là công cụ mang đến hòa bình và định hướng tương lai cho cả châu Âu. Đáng buồn là nơi này cũng là minh chứng cho thấy mọi thứ có thể xấu đi nhanh chóng đến mức nào nếu ai nấy bỏ qua mối đe dọa. Đã đến lúc đưa Biển Đen về vai trò tương tự Biển Baltic: một vùng biển của NATO", ông Kuleba nhấn mạnh.
Trước lời kêu gọi trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng: "Biển Đen chẳng bao giờ là biển của NATO".
Hạm đội Biển Đen của Nga hiện đóng ở Crimea.
Trong một diễn biến liên quan, Nga hôm 13.4 cảnh báo Moscow sẽ không kéo dài thời hạn thực thi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau ngày 18.5, trừ phi phương Tây dỡ bỏ một loạt các chướng ngại vật ngăn cản Nga xuất khẩu nông sản và phân bón.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các nhà điều tra Mỹ đang gần tiếp cận nguồn tung tài liệu mật và tuyệt mật về Ukraine và các đồng minh Mỹ lên mạng.
Các quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc, cộng đồng tình báo và tại Bộ Tư pháp Mỹ đã phối hợp điều tra danh tính kẻ đứng sau vụ rò rỉ tài liệu, liệu có bao nhiêu tài liệu có thể vẫn đang lưu hành và vì sao chúng không được chú ý dù bị phát tán từ đầu năm đến nay.