HTL TATOO, 22/26 Nguyễn Thời Trung, Phường 6, Quận 5, Ho Chi Minh, 70000, VN. 0368 918 003

Chiến sự ngày 386: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Ukraine không có nhiều thời gian

Chiến sự ngày 386: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Ukraine không có nhiều thời gian

 
Khánh An
minhhung@thanhniennews.com
17/03/2023 05:56 GMT+7

Mỹ muốn xúc tiến viện trợ vũ khí và huấn luyện các binh sĩ Ukraine, do lo ngại về kho đạn pháo và kinh nghiệm của họ cho đợt phản công sắp tới.

 
Chiến sự ngày 386: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Ukraine không có nhiều thời gian - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh cần nhanh chóng hỗ trợ thêm cho Ukraine

REUTERS

Tờ Politico ngày 16.3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng Mỹ phải xúc tiến cung cấp vũ khí và huấn luyện các binh sĩ Ukraine vì Kyiv "không có thời gian để lãng phí".

"Điều đó bao gồm việc cung cấp năng lực thiết giáp của chúng tôi cho chiến trường và đảm bảo rằng các binh sĩ Ukraine được đào tạo, cung cấp phụ tùng và hỗ trợ bảo trì mà họ cần để sử dụng các hệ thống mới này càng sớm càng tốt", ông phát biểu.

Mỹ lo ngại dường như do đạn pháo của Ukraine cạn dần và mức độ kinh nghiệm cần thiết của các binh sĩ nhằm tiến hành phản công hiệu quả.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tỏ ra lạc quan về kết quả cuộc họp các bên viện trợ cho Ukraine vào ngày 15.3. Sau cuộc họp, Tây Ban Nha cam kết cung cấp thêm 4 xe tăng Leopard, Canada hứa cung cấp thêm đạn pháo và đạn phòng không.

Bộ trưởng Austin cũng xác nhận rằng 9 nước đã cam kết cung cấp cho Ukraine tổng cộng 150 xe tăng.

Chiến sự tại Bakhmut

Về tình hình chiến sự, các đơn vị Ukraine ở Bakhmut đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nhưng chưa có dấu hiệu rút khỏi nơi này.

Trên Đài Rada TV, bà Irina Rybakova, người phát ngôn Lữ đoàn cơ giới Cold Yar của Ukraine, thừa nhận tình hình trên bộ ở Bakhmut đang khó khăn trong hai tuần qua, gây phức tạp cho hoạt động hậu cần và chi viện vũ khí cho các đơn vị Ukraine ở đây.

Người phát ngôn thêm rằng dựa trên tình hình hiện tại, "rất khó để (quân Ukraine) giữ được thành phố".

TASS dẫn dữ liệu mới nhất cho thấy lực lượng Nga đã phong tỏa hoặc kiểm soát toàn bộ các tuyến đường trải nhựa dẫn đến thành phố, trong khi hướng băng đồng gặp khó khăn do tình trạng bùn lầy đến từ băng tan khi mùa xuân đến.

Ngày 16.3, ông Denis Pushilin, lãnh đạo do Nga bổ nhiệm của phe ly khai "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" (DPR) tự xưng, trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Rossiya-24 rằng Kyiv chưa có kế hoạch triệt thoái khỏi Bakhmut bất chấp lâm vào tình thế thiếu đạn dược.

"Vô cùng khó để đưa đạn dược, thực phẩm hoặc tăng viện lính bằng con đường hiện nằm trong quyền kiểm soát của lính đánh thuê Wagner", ông Pushilin nói.

Cũng theo lãnh đạo DPR, chiến trường đã chuyển sang khu vực công nghiệp, với các cuộc giao tranh diễn ra ở phía bắc lẫn phía nam của thành phố. Ông Pushilin nói Ukraine đã tập trung lực lượng ở thành phố Chasiv Yar, cách Bakhmut khoảng 15 km về phía tây.

Lực lượng Nga cũng cho biết đã thiết lập quyền kiểm soát tại 5 con đường còn lại của tuyến hậu cần Ukraine gần thành phố Avdiivka cách Bakhmut khoảng 90 km.

Trung Quốc hy vọng về hòa đàm

Hãng Reuters ngày 16.3 đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, bày tỏ quan ngại về sự leo thang của chiến sự, đồng thời hy vọng Moscow và Kyiv sẽ tổ chức hòa đàm.

"Trung Quốc hy vọng tất cả các bên bình tĩnh, có chừng mực và kiềm chế, và khôi phục hòa đàm trong thời gian sớm nhất", theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tần.

Nhà ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng nước này hy vọng Ukraine và Nga sẽ không đóng cửa đối với giải pháp chính trị, dù tình hình khó khăn và thách thức đến đâu.

Về phần mình, Ngoại trưởng Kuleba cho hay ông và người đồng cấp Trung Quốc đã thảo luận về "tầm quan trọng của nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ".

"Tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng về Công thức Hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky) để khôi phục hòa bình công bằng ở Ukraine", ông Kuleba viết trên Twitter.

Mỹ công bố clip tố Su-27 "quấy rối" MQ-9 Reaper

Trong một động thái hiếm hoi, Lầu Năm Góc hôm nay 16.3 công bố video clip được giải mật cho thấy tiêm kích Su-27 của Nga bay gần máy bay không người lái trinh sát tấn công MQ-9 của Mỹ trên bầu trời Biển Đen vào ngày 14.3.

Đây là sự cố trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ khi chiến sự bắt đầu. Trong video clip kéo dài 40 giây, chiếc Su-27 bay đến rất gần MQ-9 và xả nhiên liệu sát bên. Kế đến, hình ảnh bị cắt đứt sau đợt tiếp cận kế tiếp của tiêm kích Nga, mà theo Lầu Năm Góc là dẫn đến va chạm giữa hai máy bay. Chiếc MQ-9 bị hư hại và rơi xuống biển.

Theo sau sự cố, thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang Nam Carolina (Mỹ) cho rằng lẽ ra quân đội Mỹ nên bắn hạ tiêm kích Nga nếu chúng áp sát quá mức máy bay Mỹ.

Về khả năng này, Hãng Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo Moscow sẽ xem vụ tấn công máy bay nước này trên không phận quốc tế là hành động tuyên chiến.

Nhà ngoại giao lưu ý một vụ đụng độ trực tiếp giữa hai cường quốc quân sự của thế giới sẽ hoàn toàn khác với cuộc chiến ủy nhiệm mà Mỹ đang thực hiện từ xa ở Ukraine.

Trước thông tin từ Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các tiêm kích Su-27 hoàn toàn không tiếp xúc với MQ-9, và phía Nga cũng không sử dụng vũ khí trên không đối với UAV Mỹ.

Bà Natalia Humeniuk, người phát ngôn lực lượng quân sự miền nam của Ukraine, cho hay đang ghi nhận hoạt động bất thường của nhóm tàu chiến và tàu hỗ trợ Nga ở Biển Đen vào sáng 16.3.

Lực lượng Nga đóng tại Biển Đen hiện có 20 tàu quân sự và tàu hỗ trợ, trong số này có 4 tàu mang theo tên lửa, có thể khai hỏa tối đa 28 rốc két/lần.

Tuy nhiên, bà Humeniuk cho hay số tàu trên đang phân tán khắp Biển Đen, dấu hiệu cho thấy phía Nga đang tìm cách trục vớt UAV MQ-9 vừa rơi hôm 14.3.

 
 

Facebook chat
https://www.facebook.com/HTLtattoosupply/