Tên lửa Nga oanh tạc Ukraine
Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay người không người lái nhắm vào hàng loạt địa phương trên khắp Ukraine vào đầu ngày 9.3, khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và buộc Ukraine phải cắt điện khẩn cấp ở nhiều khu vực để phòng ngừa, theo Reuters.
Theo Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhny, Nga đã phóng tổng cộng 81 tên lửa các loại vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Ukraine đã đánh chặn thành công 34 tên lửa hành trình, 8 tên lửa dẫn đường cùng 4 máy bay không người lái. Tuy nhiên, Ukraine không thể đánh chặn các tên lửa bội siêu thanh Kinzhal cũng như các tên lửa S-300.
Các quan chức Ukraine cho biết thủ đô Kyiv, cảng Odesa ở biển Đen và thành phố Kharkiv đều bị tấn công. Tên lửa Nga đã nhắm vào một loạt các mục tiêu, trải dài từ Zhytomyr, Vynnytsia và Rivne ở miền tây đến Dnipro và Poltava ở miền trung Ukraine.
Đây là đợt tấn công bằng tên lửa lớn đầu tiên của Nga kể từ giữa tháng 2. Đợt tấn công này đã chấm dứt khoảng thời gian tương đối yên ổn dài nhất kể từ khi Moscow bắt đầu nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine hồi tháng 10.2022. "Nga sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm về mọi việc họ đã làm", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sau cuộc tấn công hôm 9.3.
Hãng tin RIA cùng ngày dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã tiến hành một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn bằng tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, để đáp trả vụ tấn công khủng bố ở vùng Bryansk của Nga, khu vực giáp biên giới Ukraine.
Nhà máy điện hạt nhân mất điện tạm thời
Công ty năng lượng nhà nước Ukraine Energoatom ngày 9.3 cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) một lần nữa bị "ngắt kết nối hoàn toàn" khỏi lưới điện của Ukraine do các cuộc không kích của Nga và phải dùng đến 18 máy phát điện dự phòng để duy trì hoạt động, theo The Guardian.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời một quan chức do Nga hậu thuẫn cho biết việc Ukraine cắt điện của nhà máy Zaporizhzhia là một hành động khiêu khích.
Tuy nhiên sau đó, nhà máy đã được kết nối trở lại với lưới điện của Ukraine. Trong một tuyên bố, ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, nói rằng cần phải có hành động khẩn cấp để bảo vệ an toàn và an ninh của nhà máy, cảnh báo một ngày nào đó mọi chuyện sẽ không may mắn như vậy.
"Đây là lần thứ sáu - tôi xin nói lại lần thứ sáu, rằng ZNPP đã mất toàn bộ nguồn điện bên ngoài và phải hoạt động trong chế độ khẩn cấp này. Để tôi nhắc bạn - đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu", ông Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nói.
"Điều này không thể tiếp tục. Tôi ngạc nhiên bởi sự tự mãn. Chúng ta đang làm gì để ngăn chặn điều này xảy ra? Mỗi lần chúng ta lại tung một con xúc xắc, và nếu chúng ta cho phép điều này tiếp diễn thì một ngày nào đó vận may của chúng ta sẽ hết", ông cảnh báo.
Tình báo Lithuania nhận định về khả năng của Nga
Ông Elegijus Paulavicius, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Lithuania, ngày 9.3 cho biết Nga có đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine thêm hai năm. "Các nguồn lực mà Nga có vào thời điểm hiện tại sẽ đủ để tiếp tục cuộc chiến ở cường độ hiện tại trong hai năm", ông Paulavicius nói với các phóng viên ở Vilnius, theo Reuters.
"Việc Nga có thể theo đuổi chiến sự trong bao lâu cũng sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các quốc gia cho quân đội Nga, chẳng hạn như Iran, Triều Tiên. Nhưng nếu bạn nhìn vào những gì Nga có hiện nay, chẳng hạn như dự trữ chiến lược, trang thiết bị, đạn dược, vũ khí - họ có thể sử dụng nó với cường độ hiện tại trong hai năm", ông cho biết.
Trước đó, lãnh đạo tình báo Mỹ đưa ra nhận định rằng quân đội Nga chưa phục hồi đủ để có thể giành thêm lãnh thổ Ukraine trong năm nay và nhiều khả năng họ sẽ chuyển sang thế trận phòng ngự.
Nga gây hoài nghi về khả năng tái tục thỏa thuận ngũ cốc
Nga ngày 9.3 cho biết thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng Biển Đen của Ukraine mới chỉ được “thực hiện một nửa”, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu nước này có cho phép gia hạn thỏa thuận sẽ hết hạn vào tuần tới hay không.
"Vẫn còn rất nhiều câu hỏi về những bên nhận cuối cùng, những câu hỏi về việc phần lớn ngũ cốc được chuyển đi đâu. Và tất nhiên, câu hỏi về phần thứ hai của thỏa thuận thì tất cả đều biết", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, theo Reuters.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày nói "hai phần" của thỏa thuận - đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc an toàn đối với Ukraine và dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu của Nga - có "liên kết chặt chẽ". Ông cho rằng trong khi Nga tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo nội dung "phần một" thì "phần hai hoàn toàn không được thực hiện".
Thỏa thuận kéo dài 120 ngày, ra đời hồi tháng 7.2022 với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và được gia hạn vào tháng 11 cùng năm. Thỏa thuận sẽ tiếp tục được gia hạn vào ngày 18.3 nếu không có bên nào phản đối. Nga từng nhiều lần tuyên bố rằng trên thực tế, họ không được hưởng lợi từ thỏa thuận.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ không muốn đến Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn với CNN phát sóng hôm 8.3, Tổng thống Zelensky đã đề nghị Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đích thân đến Ukraine để đánh giá tình hình chiến sự. "Ông McCarthy, ông ấy phải đến đây để xem cách chúng tôi làm việc, xem chuyện gì đang xảy ra ở đây. Sau đó, ông hãy đưa ra kết luận", ông Zelensky nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi về lời đề nghị này, ông McCarthy cho biết ông không cần phải đến Ukraine và sẽ lấy thông tin theo những cách khác. "Tôi sẽ tiếp tục nghe báo cáo và nhận những thông tin khác, nhưng tôi không cần phải đến Ukraine hay Kyiv để xem xét tình hình", CNN dẫn lời hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa.