Điều này có thể khiến nhiệt độ trung bình vượt mức 29 độ C, đẩy con người khỏi giới hạn chịu đựng và phát triển bình thường, vốn ở mức 13 - 25 độ C. Nếu tình hình tiếp diễn, đến năm 2100, thời tiết khắc nghiệt sẽ đe dọa tính mạng khoảng 2 tỉ người, nhất là cư dân ở Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Philippines và Pakistan.
Báo cáo cũng cho biết biến đổi khí hậu đang khiến hơn 600 triệu người phải đối diện tình trạng khó khăn. Nhiệt độ quá cao ảnh hưởng đến khả năng làm việc, suy nghĩ và học tập của con người. Nó cũng tàn phá mùa màng, làm tăng nguy cơ xung đột, bệnh truyền nhiễm và các biến chứng khi mang thai.
CNN dẫn lời ông Timothy Lenton, Giám đốc Viện Các mạng lưới toàn cầu của ĐH Exeter, cảnh báo sẽ có sự tái định hình sâu sắc về khả năng sinh sống trên bề mặt trái đất, và nơi ở của con người có thể sẽ được tái bố trí trên quy mô lớn.
Các chuyên gia cho rằng vẫn còn thời gian để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu bằng cách hạn chế đốt nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng sạch, song "cánh cửa đang dần đóng lại".