Nhiều DN lãi khủng
Báo cáo sơ kết kết quả kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) mới đây ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về sản lượng kinh doanh với 4 triệu m3 xăng dầu các loại, hoàn thành 127% kế hoạch năm và tăng 27% so với sản lượng tiêu thụ năm 2021. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên PVOil ghi nhận doanh thu hợp nhất vượt mốc 100.000 tỉ đồng, vượt 23% kế hoạch cả năm. So với năm 2021, doanh thu năm nay của Tổng công ty tăng xấp xỉ 73%, lãi trước thuế hợp nhất đạt 763 tỉ đồng, cao hơn gấp rưỡi so với kế hoạch năm. Chỉ tính riêng quý cuối năm, doanh thu của PVOil vọt lên 20.375 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 147 tỉ đồng, trong khi quý trước đó, doanh nghiệp (DN) báo lỗ 371 tỉ đồng.
|
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu “về đích” doanh thu và lợi nhuận trước kế hoạch ĐÀO NGỌC THẠCH |
“Ông lớn” thứ 2 là Công ty xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex Sài Gòn), thành viên của Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), tuy chưa chính thức công bố doanh thu và lợi nhuận năm nay nhưng mới đây, DN cũng công bố sản lượng xăng dầu nhập xuất kho vượt mức kỷ lục, đạt hơn 6 triệu
m3/tấn, vượt kế hoạch và đạt 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Petrolimex Sài Gòn cho biết sản lượng qua các kênh đều tăng trưởng cao và vượt kế hoạch, kênh xuất bán trực tiếp tăng 137%, bán lẻ tăng 162% so với cùng kỳ. Trước đó, mặc dù ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Petrolimex, cho rằng thị trường xăng dầu năm nay diễn biến dị biệt khiến “hàng nhập về đến cảng đã lỗ” nhưng tại buổi họp giữa tháng 12.2022 với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, ông Thanh tiết lộ tập đoàn đã hoàn thành 112% kế hoạch năm, tăng 10% so với năm 2021, doanh thu hợp nhất ước đạt 240.000 tỉ đồng, tăng 42% và lợi nhuận hợp nhất ước đạt 300 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, DN khai thác đầu nguồn cũng có kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) vượt kế hoạch đến 5 tháng về chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách khi tổng doanh thu đạt 44.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 26.900 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 14.750 tỉ đồng và nộp ngân sách 21.360 tỉ đồng. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cũng hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô trước hơn 2 tháng và dự kiến vượt 28% kế hoạch năm; doanh thu hoàn thành kế hoạch năm trước 4 tháng, ước vượt 60% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước cao gấp 3 lần kế hoạch năm.
Sẽ mở rộng hệ thống phân phối ?
Với kết quả kinh doanh của Petrolimex Sài Gòn, đại diện Petrolimex cũng cho biết kế hoạch “3 đột phá” của tập đoàn trong năm 2023. Cụ thể, DN sẽ đột phá về kinh doanh, gia tăng thị phần bán lẻ trên toàn hệ thống; phát triển cửa hàng xăng dầu, tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc và chuyển đổi số, chủ động triển khai các dự án chuyển đổi số của tập đoàn theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Hiện chúng ta đang điều hành kiểu “chạy theo DN” khi làm chính sách và không theo cơ chế thị trường nên vừa đánh mất đi độ nhạy bén cũng như tính sẵn sàng chấp nhận rủi ro của DN, mặt khác tạo tâm lý nghi ngờ cho người tiêu dùng khi thấy DN dù than lỗ vẫn lãi khủng… Nói chung, một cơ chế điều hành thị trường xăng dầu đang gián tiếp đánh mất “gien” tự chủ trong kinh doanh sẽ đưa đến hệ lụy giảm niềm tin trong dân chúng.
Một chuyên gia phân tích thuộc Công ty CP chứng khoán VNDirect nhận định trong năm 2022, các “ông lớn” đầu mối phải tăng nhập khẩu trong bối cảnh giá thế giới tăng để bổ sung nguồn cung trong nước khiến kết quả kinh doanh của DN không mấy thuận lợi. Thế nhưng, nhiều yếu tố tích cực khác đang hỗ trợ và giúp lợi nhuận các nhà bán lẻ xăng dầu được phục hồi mạnh. Trong đó, giá dầu thế giới dự kiến diễn biến ổn định hơn trong năm tới, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều này có thể là tiền đề để nhà máy hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho DN phân phối. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của VN được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 5,5% trong giai đoạn 2022 - 2030, sẽ là cơ sở để các DN phân phối tăng trưởng trong những năm tới. “DN phân phối lớn như Petrolimex và PVOil có thể có thêm thị phần từ các DN nhỏ lẻ khác, vốn có khả năng bị loại khỏi thị trường sau một năm đầy khó khăn”, chuyên gia này nêu quan điểm.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phân tích: Giá xăng dầu tăng chóng mặt từ cuối tháng 2 đến hết tháng 6 nên các DN không có tính dự báo tốt, không có những hợp đồng mua trước theo kỳ hạn thì khó có lợi nhuận cao. Nhưng khi giá dầu giảm đột ngột hơn 20% trong tháng 7, nhiều DN còn tiền tăng mua vào, tăng bán ra, phục vụ 24/24, “bao tiêu” luôn lượng khách hàng từ các chuỗi cửa hàng khác đang khát xăng, từ đó, doanh số tăng, đẩy lợi nhuận tăng. “Nên nhớ giá dầu tăng thì DN vẫn có lãi, bởi chúng ta điều chỉnh giá theo xu hướng giá thế giới. Chưa kể các chi phí định mức, lợi nhuận định mức được điều chỉnh từ quý 4 là “chất xúc tác” giúp DN chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, đủ dự báo, uy tín để mua được giá tốt, từ đó họ thắng. Nhưng không phải DN xăng dầu nào cũng có lãi lớn, những DN nhỏ, khó khăn tài chính hết quý 2, giảm nhập hoặc không nhập thì chưa hẳn có lợi nhuận tốt. Còn các “ông lớn” xăng dầu vẫn thắng vì lượng hàng bán ra tăng, giá bán tăng, lợi nhuận theo đó tăng…”.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, DN của ngành hàng nào đến cuối năm báo lãi đều thấy dấu hiệu tích cực và đáng trân trọng. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn cần cuộc “đại phẫu”, nghĩa là tổ chức lại thị trường một cách minh bạch. Trong kinh doanh, có lúc thắng, lúc thua nhưng nếu để các DN tự quyết, việc kêu lỗ hay “lãi khủng” của DN hôm nay cũng không đáng ngạc nhiên hay phải gây bàn cãi.