Đạn pháo 155 mm của Mỹ LỤC QUÂN MỸ |
Thách thức của năm 2023
Việc thiếu năng lực sản xuất, khan hiếm người lao động chuyên ngành, trục trặc chuỗi cung ứng, chi phí tài chính cao và những quy định về môi trường đang cản trở nỗ lực đẩy mạnh năng suất của ngành vũ khí châu Âu. Hậu quả là phương Tây và Ukraine sẽ đối mặt với thách thức thiếu đạn dược trong năm sau.
Theo báo The Wall Street Journal (WSJ) hôm 23.12, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine giờ đây đang trở thành cuộc chạy đua tái bổ sung vũ khí giữa Moscow và các thành viên châu Âu của NATO.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề cập đến thách thức trên trong chuyến thăm Washington D.C hôm 22.12. Theo đó, ông nói phía Nga có lợi thế đáng kể về pháo binh, đạn dược. “Họ có nhiều hơn hẳn các tên lửa và máy bay”, ông Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ.
Gói viện trợ trị giá 1,8 tỉ USD được công bố trong chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Ukraine bao gồm hệ thống phòng không Patriot đầu tiên cho Kyiv. Trong số này còn có thiết bị cải tiến đạn pháo thành đạn dẫn đường chính xác, đạn dành cho súng cối, rốc két tăng tầm bắn.
Tuy nhiên, số phận của quân đội Ukraine cũng dựa vào các nước châu Âu như Đức, quốc gia để cho nền công nghiệp quân sự hoạt động cầm chừng trong thời bình và đang tìm cách bắt kịp nhu cầu trong lúc tìm cách bảo đảm nguồn cung năng lượng.
Thế khó của châu Âu
Theo WSJ, chiến sự Ukraine đang ngốn đạn dược ở mức độ chưa từng có kể từ thế chiến thứ hai. Lực lượng Ukraine bắn khoảng 6.000 quả đạn pháo, rốc két mỗi ngày và đang cạn kiệt tên lửa phòng không, dựa trên tính toán của giới chuyên gia và giới chức tình báo phương Tây.
Trong giai đoạn đỉnh điểm chiến sự ở miền đông Ukraine là Donbass, Nga trong vòng 2 ngày sử dụng số đạn dược nhiều hơn toàn bộ số đạn dược trong kho dự trữ của quân đội Anh, theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
Không thành viên nào của NATO, trừ Mỹ, hiện có đủ vũ khí cho một cuộc xung đột pháo binh lớn, và năng lực sản xuất công nghiệp cũng không ngoại lệ, ông Nico Lange, cựu quan quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Đức. Điều này có nghĩa là NATO sẽ không đủ sức bảo vệ lãnh thổ trong trường hợp bị giáng đòn tấn công từ một kẻ thù lớn.
Tình trạng thiếu đạn pháo và tên lửa hiện tại ở châu Âu phần lớn là do sự chuyển đổi trong các học thuyết quân sự của NATO trong những thập niên gần đây. Ông Morten Brandtzæg, Giám đốc điều hành Nammo AS, cho hay thay vì lên kế hoạch cho các cuộc chiến trên bộ kiểu thế chiến thứ hai, các thành viên NATO lại tập trung chuẩn bị chiến tranh phi đối xứng, đối phó những đối thủ chẳng mấy tinh vi. Nammo AS là một trong những nhà thầu sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, với đồng sở hữu là chính phủ Na Uy và Phần Lan.
Ukraine mỗi tháng sử dụng đến 40.000 đạn pháo đường kính 155 mm của NATO. Trong khi đó, châu Âu chỉ sản xuất được khoảng 300.000 đạn pháo dạng này mỗi năm.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính cần thêm 500 đến 600 triệu bảng Anh cho ngân sách nếu bổ sung số đạn dược bị thiếu.
Giới chức Đức phải thừa nhận nước này không đủ đạn dược để sử dụng trong hơn 2 tuần trong trường hợp lãnh thổ bị tấn công, thấp hơn tiêu chuẩn của NATO là 30 ngày. Chánh văn phòng thủ tướng Đức Wolfgang Schmidt tính toán Đức cần đầu tư 20 tỉ euro để đáp ứng yêu cầu trên của NATO.